1. Thăm mộ Tổ tiên

Hàng năm cứ vào ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, nhiều gia đình người Việt tập trung đông đủ cùng nhau đi thăm, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên và đem theo hương đèn hoa quả để cúng, tỏ lòng hiếu kính mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu.

tao-mo

(Ảnh: nguồn Internet)

Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, năm mới đến là sự khởi đầu của mọi điều mới, mọi thứ đều cần được sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, tổ tiên.

Tục tảo mộ cuối năm ngoài là một phong tục phổ biến của người dân Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán, còn là nét đẹp mang tính dòng tộc rõ nét. Thăm nom và sửa sang phần mộ tổ tiên được ghi rõ ràng và cụ thể trong gia phả như một truyền thống tốt đẹp của dòng họ, để cho con cháu sau này nối tiếp, theo đó mà thực hiện.

Nó thể hiện nét đẹp của đạo "hiếu" trong văn hóa Việt Nam, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết giữa những người còn sống với nhau và giữa những người còn sống với những người đã khuất như câu nói:

"Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn"

Tảo mộ sửa sang, chăm sóc mộ phần của tổ tiên và người thân cũng là thể hiện tình cảm của con người biết hướng về nguồn cội của mình, tổ tiên, ông bà mình mà nhờ đó mình mới được làm người, mình mới có mặt trên đời và được các cụ phù hộ cho trong năm mới sắp tới.

2. Trang trí sửa soạn nhà cửa

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà đều dọn dẹp lại nhà cửa thật đẹp sao cho đúng không khí của ngày Tết. Tất cả các đồ vật, chén, bát, bàn ghế, ban thờ... đều được đem ra sửa soạn, lau sạch sẽ và bày biện hợp lí. Công việc dọn dẹp ngày Tết có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới đang tới, cái gì cũng phải mới.

trang-tri-nha

(Ảnh: nguồn Internet)

Việc trang trí lại nhà cửa có thể theo từng lối sống và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Nhưng thông thường trên tường nhiều gia đình sẽ treo những câu đối hoặc tranh Tết, trong nhà sẽ đặt các lọ hoa hoặc chậu hoa với đủ màu sắc mang hơi thở của mùa xuân như: Hoa đào, hoa mai, quất cảnh, cúc vàng, hoa hồng... Bên cạnh đó là mâm ngũ quả được bày trí cẩn thận để lên thắp hương trên bàn thờ.

3. Gói bánh chưng, bánh tét

Trong xã hội hiện đại ngày nay, có nhiều truyền thống đã bị mai một nhưng có một giá trị truyền thống vẫn luôn được lưu giữ đó là tục lệ gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết.

Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu được vào mỗi dịp Tết đến thể hiện sự gắn kết, sum vầy khi các thành viên trong gia đình quây quần bên nồi bánh luộc đang bốc khói nghi ngút ấm cúng. Đây cũng là việc giữ gìn và phát huy trí sáng tạo của cha ông từ ngàn thời xưa, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với cha ông, khi Hùng Vương thứ 6 quyết định chọn bánh chưng của Lang Liêu làm lễ vật tế tổ tiên.

goi-banh-chung

(Ảnh: nguồn Internet)

Bánh chưng là món bánh Tết đặc trưng của các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Tại các tỉnh miền Nam, món bánh phổ biến trong những ngày Tết là bánh tét. Tuy khác nhau về tên gọi (bánh chưng, bánh tét), hình dáng (một loại hình vuông, một loại hình trụ tròn), lá gói (một loại gói lá dong, một loại gói lá chuối) nhưng hai loại bánh đều có những điểm chung nhất định như nguyên liệu đều là gạo nếp, thịt lợn, nhân đỗ xanh.

Với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều gia đình không còn gói bánh chưng, bánh tét nữa mà đặt mua theo yêu cầu. Cả bánh chưng và bánh tét ngày nay đều trở nên phong phú về kích cỡ và hương vị để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Bạn có thể lựa chọn cho mình các loại bánh từ to đến nhỏ, vị mặn hay ngọt, nhân thịt hay nhân chay dành cho người ăn chay rất đa dạng.

4. Cúng Ông Công, ông Táo

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người dân Việt nam lại chuẩn bị sửa soạn mâm cơm cúng, tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là nét văn hóa đặc sắc của người Việt được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt, sự tích ông Công, ông Táo có nguồn gốc từ ba vị thần là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kì của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành sự tích hai ông, một bà đại diện cho thần đất, thần nhà và thần bếp núc.

cung-ong-tao

(Ảnh: nguồn Internet)

Người Việt tin rằng, 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo Quân cưỡi cá chép lên trời để trình báo mọi việc làm ăn, cư xử xảy ra trong gia đình dưới hạ giới với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm giao thừa, Táo Quân mới trở lại nhân gian trông coi việc bếp lửa của mình.

Do vị thần bếp biết hết những chuyện hay dở của mình, nên để Táo Quân phù hộ nhiều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn ông công, ông Táo rất cẩn thận. lễ vật có thể bao gồm: ba bộ quần áo Táo Quân cùng tiền vàng, mâm cỗ mặn, bánh kẹo, cá chép sống hay bằng giấy... Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ... tùy theo khu vực sinh sống.

5. Thú chơi hoa và sửa soạn mâm ngũ quả

Bên cạnh việc ăn Tết thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa, thú chơi hoa tao nhã ngày Tết cũng là một nét đẹp văn hóa đã có từ rất lâu. Đây là điều thú vị, trang nhã và thanh tao trong ngày Tết. Hai loại hoa đặc trưng cho ngày Tết là đào miền Bắc và mai miền Nam. Đây là hai loại hoa phổ biến nhất trên cả nước mà hầu như nhà nào cũng chưng ngày Tết. Bên cạnh đó, các loại hoa để thờ cúng và trang trí ngày Tết rất được ưa chuộng như: hoa cúc, hoa hồng, hoa lan, hoa đồng tiền... đã góp phần tô điểm cho mùa xuân thêm lung linh sắc màu. Những loài hoa đã góp phần làm cho ngày Tết thêm tươi vui, tạo cảm giác ấm áp cho ngày sum họp gia đình.

mam-ngu-qua

(Ảnh: nguồn Internet)

Bên cạnh đó, các loại cây cho trái cũng được dùng để trang trí làm đẹp cho không gian Tết như: cây quất cảnh, quýt cảnh, bưởi tạo hình... Đây là loại các loại cây được tạo kiểu dáng cầu kì, cành lá xanh tươi, quả mọng ngọt căng tràn, vàng bóng bẩy thể hiện sự trù phú, mong muốn cho một năm mới ăn nên làm ra, nhiều tài lộc, thành quả tốt.

Cùng với thú chơi hoa, các gia đình Việt còn quan tâm đến việc bày trí mâm ngũ quả trên bàn thờ. Các loại trái cây thể hiện mong muốn của gia chủ cho một năm mới an lành. 5 loại quả theo quan niệm của người xưa là ngũ hành tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Tuy người miền Bắc không có quan điểm khắt khe về việc chọn mâm ngũ quả, hầu như quả nào cũng bày được thì người miền Nam lại có sự kiêng kị những loại quả có tên mang ý nghĩa xấu như: cam - cam chịu, lê - lê lết... và không có vị đắng, cay.

6. Bữa cơm tất niên

Đối với những gia đình Việt có con cháu học tập hay làm việc ở xa thì Tết chính là một dịp đặc biệt nhất trong năm để đoàn tụ gia đình. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người dân Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, yêu thương của những người cùng một gia đình hay người thân quen.

com-tat-nien

(Ảnh: nguồn Internet)

Bữa cơm tất niên thông thường được tổ chức vào chiều 30 Tết. Lúc này, mọi thứ và công việc đã xong xuôi, cả nhà cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm áp ngày cuối năm. Trong khói hương trầm phảng phất, cả gia đình cùng ngồi ăn cơm và trò chuyện. Mâm cơm ngày tất niên có đủ các món ăn mang đậm hương vị ngày Tết như: bánh chưng, giò, dưa hành... Câu chuyện xoay quanh bữa cơm tất niên là việc con cháu báo cáo với ông bà những việc đã làm trong năm, ông bà cha mẹ nhắc nhở con cháu chuyện học hành, làm ăn đến lễ nghĩa, tình cảm, nhắc nhở con cháu những ngày tới đi chúc Tết họ hàng...

Đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những ngư­ời đã khuất trong gia đình. Bữa cơm tất niên kết thúc, cũng là lúc mọi người chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa. Ý nghĩa của lễ này là nhằm xua đi những điều xấu, dở của năm cũ, đón lấy điều mới mẻ, tốt lành của năm mới.

7. Lễ đón Giao thừa

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới trong ngày 30 Tết được coi là thời điểm quan trọng trong năm và thường được gọi là giao thừa. Trong khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng và hân hoan của lòng người, người dân Việt Nam trên khắp mọi nơi không quên các hoạt động chào đón thời khắc đất trời giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới.

don-giao-thua

(Ảnh: nguồn Internet)

Để ghi nhận thời khắc chuyển giao này, người ta thường có 2 hoạt động chính được coi như 2 nét văn hóa đẹp trong ngày Tết được duy trì từ rất lâu cho đến nay đó là phần lễ giao thừa và đón giao thừa.

Về phần lễ giao thừa, người Việt thông thường sẽ chuẩn bị hai mâm cỗ mặn, một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ và một mâm cúng thiên địa ngoài trời trong khuôn viên gia đình mình. Công việc này sẽ diễn ra đúng thời khắc 0 giờ ngày 1 tháng Giêng âm lịch, do người lớn tuổi trong gia đình tiến hành. Ý nghĩa của lễ cúng giao thừa là cầu nguyện cho gia đình một năm mới với nhiều điều may mắn, tốt lành, bình an. Nó cũng thể hiện truyền thống hiếu kính với các đấng sinh thành, kế thừa và tôn trọng các yếu tố tâm linh từ ngàn đời xưa (thiên binh, thiên tướng, ông địa).

Hoạt động đón giao thừa diễn ra phổ biến nhất trên cả nước đó là bắn pháo hoa. Vào thời khắc giao thừa, các địa phương trên toàn quốc đều tổ chức màn bắn pháo hoa hoành tráng kéo dài 15 phút ở nhiều địa điểm. Ý nghĩa của hoạt động này là kết thúc năm cũ, hi vọng cho một năm mới làm ăn thịnh vượng, nhiều may mắn, tài lộc và hạnh phúc. Hoạt động này thu hút rất đông các bạn trẻ và các gia đình. Họ trao nhau những cái nhìn trìu mến, những nụ cười hạnh phúc dưới pháo hoa như một lời ước hẹn gắn bó, yêu thương và luôn bên nhau như phút bắt đầu cho đến phút kết thúc của 1 năm hay 1 cuộc đời.

8. Chúc Tết, mừng tuổi

Tết Nguyên Đán là dịp mọi người quây quần, sum họp bên nhau, gắn kết tình cảm các thành viên, người thân trong gia đình.

Ba ngày đầu năm mới được coi là ba ngày quan trọng nhất. Vào những ngày này, mọi công việc đều được gác lại. Người người, nhà nhà sẽ đi về nội, ngoại thăm hỏi ông bà, cha mẹ cũng như họ hàng hai bên, người thân và thầy cô giáo. Con cháu nói những lời chúc sức khỏe và tốt lành đến ông bà, cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi. Người lớn sẽ chúc lại các cháu và kèm theo đó là lì xì cho tuổi mới thêm sức khỏe và may mắn, niềm vui.

mung-tuoi

(Ảnh: nguồn Internet)

Chúc Tết thực sự đã trở thành nếp sống, truyền thống bao đời của người Việt vào dịp Tết. Nó thể hiện lòng hiếu thảo, sự tri ân của các thế hệ sau với ông bà, cha mẹ và thầy cô, đúng với truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc từ ngàn đời.

9. Xông đất

Xông đất đầu năm là phong tục được cha ông ta lưu truyền từ rất lâu cho đến nay vẫn còn được duy trì thực hiện. Người ta tin rằng, người xông đất đầu năm có ảnh hưởng đến vận mệnh của gia chủ trong cả năm đó nên người xông đất được coi là khá quan trọng. Tuy nhiên, xông đất không có một chuẩn mực chung hay quy phạm chung nào trên cả nước.

xong-dat

(Ảnh: nguồn Internet)

Thời điểm xông đất là sau thời khắc giao thừa trở đi. Những gia đình Việt Nam không quá cầu kì thì cũng luôn mong muốn người xông đất là người vui vẻ, rộng rãi để gia đình có một năm may mắn, sung túc.

Tại những gia đình kinh doanh, giao thiệp nhiều... người ta rất chú ý đến vấn đề này. Người xông đất là người đầu tiên đặt chân đến gia đình, là nam giới (theo quan điểm nam giới là trụ cột gia đình), trang phục không quá cầu kì nhưng đảm bảo sạch sẽ gọn gàng, mang theo những lời chúc tốt đẹp, nụ cười thật tươi biểu hiện cho một năm mới nhiều niềm vui, thịnh vượng.

Người ta cũng chú ý đến tuổi của người xông đất. Ngũ hành của gia chủ và người xông đất phải tương hợp hay tránh rơi vào tứ hành xung theo quan điểm duy tâm. Người Việt cũng không muốn những người có đạo đức kém, tiền án, tiền sự, những người đang có tang hay chuyện buồn gia đình đến xông đất vì quan niệm năm mới mọi thứ phải mới mẻ và vui vẻ.

Xông đất được coi là nét văn hóa đặc trưng ngày Tết mà trên khắp cả nước hiện nay vẫn lưu truyền và tin tưởng. Nó thể hiện khát vọng và niềm tin của người Việt vào một ngày mai tốt đẹp, may mắn, thịnh vượng hơn.

10. Xin chữ, câu đối đầu xuân

Từ lâu, phong tục xin chữ, câu đối đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày đầu xuân mới tại Việt Nam. Đây là một nét đẹp văn hóa, là món quà mang ý nghĩa xã hội biểu hiện cho truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam ta.

xin-chu

(Ảnh: nguồn Internet)

Hình ảnh ông đồ già với bút lông, nghiên mực, giấy đỏ đang tập trung viết những nét chữ thanh thoát "như rồng múa phượng bay" không còn xa lạ với bất kì người Việt nào khi dịp xuân về. Mỗi nét chữ như là một lời nhắn gửi của các thế hệ cha ông đối với thế hệ sau về việc gìn giữ thú chơi tao nhã, trí thông minh, sáng tạo, nét tài hoa trong mỗi con chữ.

Xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình từ xa xưa, treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới. Nó như một món ăn tinh thần mang đậm bản chất văn hóa của một đất nước hiếu học, coi trọng đạo thánh hiền mà chúng ta cần trân trọng và bảo tồn.

Hiện nay, việc xin chữ hay câu đối đầu xuân không diễn ra rộng khắp mà chỉ tập trung tại một số địa điểm nhất định tại mỗi tỉnh thành phố. Tuy nhiên bạn cũng không cần băn khoăn xin chữ ở đâu, nơi bạn có thể thỏa sức chìm đắm trong thư pháp, xin cho mình những câu chữ ý nghĩa và quy tụ nhiều ông đồ nhất cả nước là phố Văn Miếu (Hà Nội).

Trải qua ngàn đời, Tết Nguyên Đán Việt vẫn giữ được hồn riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất, đủ đầy nhất của cả dân tộc. Mỗi mùa xuân về, mỗi dịp Tết đến là mỗi lần truyền thống được khơi dậy, tôn vinh và lan tỏa tới tất cả mọi thế hệ cũng là dịp tuyệt vời nhất để phong tục Việt được lưu truyền cho tới mãi mai sau.

(Nguồn: sưu tầm / Internet)